Mã nguồn mở là những chương trình máy tính mà người dùng có quyền xem, sửa đổi, và phân phối dưới các điều kiện đã định sẵn. Điều này có nghĩa là mã nguồn của phần mềm có sẵn cho cộng đồng để kiểm tra, cải thiện và sử dụng mà không bị hạn chế.
Vậy mã nguồn mở là gì? Các phần mềm mã nguồn mở có những ưu điểm gì? Tại sao nói công nghệ mã nguồn mở là chìa khoá để blockchain hướng tới Web3?
Mã nguồn mở là gì?
Mã nguồn mở (open-source code) là bản thân mã nguồn được công bố công khai và trực tuyến, cho phép mọi người xem xét, truy cập, và sử dụng nó mà không mất phí. Các nhà phát triển có thể tận dụng mã nguồn mở để xây dựng phần mềm riêng của họ hoặc đề xuất sửa đổi và thêm tính năng mới.
Mã nguồn (source code) là bộ lệnh và hướng dẫn được viết bởi các lập trình viên bằng ngôn ngữ lập trình máy tính, mô tả cách một phần mềm (chương trình hoặc ứng dụng) hoạt động.
Trong lĩnh vực tiền điện tử, phần lớn các blockchain và giao thức thường được xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở để đảm bảo tính công khai và minh bạch. Các dự án thường công bố mã nguồn mở của họ trên Github, nền tảng lưu trữ và quản lý mã nguồn lớn nhất hiện nay.
Ưu điểm của phần mềm mã nguồn mở
Ưu điểm lớn nhất của phần mềm mã nguồn mở là khả năng truy cập và tính hiệu quả của nó. Như đã đề cập trước đó, bất kỳ ai cũng có quyền xem, đề xuất sửa đổi hoặc sử dụng mã nguồn mở có sẵn để phát triển phần mềm cho riêng mình. Điều này giúp:
- Tạo điều kiện cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các lập trình viên trong cộng đồng. Họ có thể cùng nhau xem xét, đóng góp ý kiến để cải thiện mã nguồn, phát hiện và xử lý lỗi kịp thời, từ đó tạo ra phần mềm chất lượng và hiệu quả hơn.
- Thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng đổi mới thông qua việc cho phép đề xuất thêm tính năng mới, hoặc phát triển ý tưởng mới dựa trên mã nguồn có sẵn.
- Tiết kiệm thời gian và nguồn lực hơn so với việc các nhà phát triển phải tự nghiên cứu và lập trình lại phần mềm từ đầu.
Ngoài ra, việc sử dụng mã nguồn mở còn mang lại một số lợi ích sau:
- Tăng cường bảo mật: Bằng cách cho phép nhiều người đóng góp và xem xét mã nguồn, các lỗ hổng bảo mật có thể được phát hiện và khắc phục nhanh chóng, giúp nâng cao tính bảo mật của phần mềm.
- Khả năng tùy chỉnh linh hoạt: Người dùng có thể tự do thay đổi hoặc mở rộng các tính năng trên mã nguồn mở, từ đó tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mục đích riêng của họ.
- Hiệu quả chi phí: Do được phát triển một cách tự nguyện và dựa trên sự cộng tác của nhiều người, mã nguồn mở có chi phí thấp hơn so với các phần mềm thương mại (được cung cấp độc quyền bởi một bên thứ ba). Kết quả là làm giảm chi phí cho cả nhà phát triển dự án và người dùng cuối.
- Tính minh bạch và đáng tin cậy: Mã nguồn mở được đăng tải trên nền tảng công khai và miễn phí, cho phép người dùng tự do tìm hiểu và nghiên cứu để hiểu rõ cách phần mềm hoạt động như thế nào. Điều này góp phần tạo lòng tin cho người dùng đối với dự án.
Tại sao crypto cần mã nguồn mở?
Công nghệ blockchain không chỉ đánh bại các nguyên tắc cũ của hệ thống tài chính mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển và hình thành thị trường tiền điện tử. Trong ngữ cảnh này, Bitcoin và Ethereum, hai hệ thống blockchain chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, đều được xây dựng trên nền mã nguồn mở.
Tính chất đặc trưng của blockchain là phân quyền (decentralized), công khai và minh bạch. Điều này hoàn toàn phù hợp với những lợi ích mà mã nguồn mở mang lại như đã trình bày trên. Trong đó, tính phân quyền của blockchain có nghĩa là:
- Không có một thực thể tập trung nào được quyền kiểm soát mạng lưới, ngược lại mạng sẽ được vận hành và duy trì bởi hệ thống các node phân tán trên toàn cầu.
- Mã nguồn của giao thức blockchain được chia sẻ công khai, mọi người đều có quyền đưa ra đề xuất bổ sung hoặc sửa đổi về cách hoạt động của nó. Lưu ý rằng đề xuất đó vẫn phải trải qua quy trình xem xét và đánh giá nghiêm ngặt bởi những người có chuyên môn.
Đây là cách blockchain loại bỏ bên thứ ba tập trung (như ngân hàng trong hệ thống tài chính truyền thống) nhưng vẫn tạo được niềm tin cho người dùng. Bên cạnh đó, các nền tảng blockchain mã nguồn mở cũng khuyến khích nhà phát triển tận dụng tài nguyên sẵn có để xây dựng các ứng dụng phi tập trung (dApp) và đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.
Ví dụ: Blockchain Ethereum tạo nên một ngành hệ sinh thái DeFi phát triển mạnh mẽ dựa trên hợp đồng thông minh của nó. Các nhà phát triển có thể sử dụng phần mềm mã nguồn mở của Ethereum để tạo ra ứng dụng hoặc blockchain riêng để trích xuất giá trị và kiếm tiền từ đó.
Vì vậy, mã nguồn mở có thể được xem là “công cụ” thiết yếu để xây dựng blockchain và nền kinh tế xung quanh nó. Sự kết hợp giữa blockchain và công nghệ mã nguồn mở là chìa khoá để hướng tới tầm nhìn phân quyền và Web3, nhằm loại bỏ sự kiểm soát và phụ thuộc vào các tổ chức trung gian.
Mã nguồn mở được sử dụng như thế nào trong crypto?
Mã nguồn mở hiện diện ở khắp mọi nơi trong không gian tiền điện tử, nhưng trong bài viết này, hãy cùng tập trung vào cách sử dụng mã nguồn mở của hai blockchain lớn nhất là Bitcoin và Ethereum.
Mã nguồn mở trên Bitcoin
Ngày 8/1/2009, Satoshi Nakamoto (người tạo ra blockchain Bitcoin) đã phát hành mã nguồn mở Bitcoin v0.1. Đây cũng là sự kiện đánh dấu ứng dụng đầu tiên của mã nguồn mở trong crypto. Bitcoin v0.1 hiện được biết đến với tên Bitcoin Core.
Tính đến ngày 25/10/2023:
- Đã có hơn 100 nhà phát triển đóng góp vào Bitcoin Core, theo dữ liệu từ GitHub (tại đây).
- Đa dạng ứng dụng mã nguồn mở được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của Bitcoin, từ ví điện tử như Electrum, Phoenix…, đến các bộ công cụ như Bitcoin Dev Kit, Lightning Dev Kit…
Trang Github của Bitcoin: https://github.com/bitcoin
Mã nguồn mở trên Ethereum
Blockchain Ethereum đã chứng kiến sự tăng trưởng và mở rộng mạnh mẽ với hệ sinh thái DeFi rộng lớn xây dựng phía trên nó. Đây cũng là blockchain có cộng đồng nhà phát triển hoạt động tích cực nhất, với:
- Hơn 3,000 dApp xây dựng trên mã nguồn mở của Ethereum (dữ liệu từ DappRadar), bao gồm game, DEX, wallet, NFT, liquid staking, lending…
- Hơn 700 bản Đề xuất Cải tiến Ethereum (EIP), theo dõi tại đây.
Theo đó, EIP (Ethereum Improvement Proposal) là thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cách blockchain Ethereum sẽ sửa đổi hay bổ sung thêm tính năng mới nào để hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ cho nhu cầu của người dùng và dApp.
Sau khi EIP được triển khai thành công, các dự án có thể sử dụng mã nguồn mở của EIP để xây dựng phần mềm, ứng dụng của riêng mình. Một số ứng dụng và EIP nổi bật có thể kể đến như:
- Bộ sưu tập NFT “gây bão một thời” Bored Ape Yacht Club sử dụng chuẩn token ERC-721 được đề xuất trong EIP-721.
- Các ví smart contract như Gnosis Multisig, ConsenSys Multisig… sử dụng chuẩn token ERC-4337 được đề xuất trong EIP-4337.
- Chuẩn token ERC-20 được dùng để triển khai và phát hành Fungible Token trên hệ sinh thái Ethereum. Phần lớn các dự án xây dựng trên Ethereum đều sử dụng chuẩn token này.